Nghiên cứu đối thủ - Tuyệt chiêu giúp Spa phát triển bứt phá
Bạn làm spa có biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai?
"Spa sinh sau đẻ muộn", bạn làm sao cạnh tranh với các "cá mập" trong ngành?
"Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", không biết mọi người nghĩ sao về câu nói này chứ đối với Lụa đến bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị.
Hôm nay Lụa xin phép chia sẻ chút kinh nghiệm thực tế cách Lụa đưa spa non trẻ của mình cạnh tranh lại với các đối thủ để phát triển bứt phá thế nào!
Chiến lược phát triển kinh doanh mang lại hiệu quả cho Spa
Lụa là chủ spa dưỡng sinh đông y ở Quận Phú Nhuận- một trong những quận trung tâm và giàu có của Sài Gòn. Con đường Phan Xích Long là "phố spa" khi cứ cách vài bước chân là lại có một spa. Mình sinh sau đẻ muộn- Không có nhiều tiền để setup một spa hoành tráng, marketing rầm rộ như các spa khác. Vậy phải làm sao thể có khách đây?
Đó chính là sự khác biệt. Mình đi sau thì ngoài tay nghề nhân viên chuẩn còn phải làm những gì mà người đi trước không có thì mới mong có thể tồn tại.
Nghiên cứu nhu cầu thị trường
Việc xác định nhu cầu thị trường, dịch vụ mũi nhọn có vai trò then chốt quyết định bạn có thành công hay không. Thời điểm muốn kinh doanh spa, mình thấy các spa mụn, nám, da... dường như đang bão hoà nên quyết định làm dưỡng sinh.
Dịch vụ chủ đạo của mình là massage body, trị đau nhức mỏi vai gáy, trị đau đầu, giảm stress.
Bạn biết đấy- Sài Gòn thành phố đông dân và kinh tế phát triển bậc nhất cả nước.
Dân văn phòng 90% là bị đau vai gáy. Khi cuộc sống phát triển thì ai cũng có nhu cầu quan tâm và cải thiện sức khoẻ đúng không.
Xác định đúng nhu cầu thị trường và dịch vụ mũi nhọn, từ đó có chiến lược marketing phù hợp sẽ giúp bạn tiếp cận được nguồn khách hàng rất tốt. Mình đã có những chiến lược kinh doanh và xác định mũi nhọn cụ thể để đánh mạnh vào, chính vì thế đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Và khi nghiên cứu thị trường thì Lụa phát hiện nhu cầu đi spa của khách nam, khách cặp đôi, khách gia đình rất đông nhưng lại ít spa nào ở Sài Gòn cung cấp tốt. Có nơi thì không nhận khách nam, có nơi thì massage nhưng khu xông hơi lại ưu tiên cho nam, nữ không được xài, đi cặp đôi thì bị thu phụ phí rất cao... Vì vậy Lụa quyết định setup spa của mình với rất nhiều phòng dịch vụ riêng biệt. Khách nam - nữ khi đi một mình hay đi cặp đôi thì đều có không gian riêng và phù hợp với nhu cầu của họ.
Nghiên cứu đối thủ
Ngay từ khi bắt tay vào làm spa, Lụa đã xác định làm dưỡng sinh, masage trị liệu đau mỏi nên đã đi rất nhiều spa cùng tệp để trải nghiệm dịch vụ của họ. Những spa trị liệu lớn ở Sài Gòn có tuổi đời 10-20 năm, 4-5 chi nhánh hay spa mới mở có mô hình hay ho, hoạt động tốt Lụa đều ghé tham khảo. Đến spa với tư cách khách hàng, ngoài việc thư giãn thì bạn còn biết được rất nhiều thứ: Biết họ có gì hay để học, biết cái gì dở để khắc phục.
Ví dụ, khi nghiên cứu thì Lụa biết một vài spa lớn ở Sài Gòn thì Lụa biết họ đi trước cách đây vài chục năm, khách rất đông nhưng việc kinh doanh chủ yếu là khách truyền miệng mà không hề tiếp cận khách trên internet. Vì vậy Lụa đã đẩy mạnh phát triển web, fanpage, chạy ads để thu hút tệp khách trẻ, khách mới...
Khi đi massage ở một số nơi thì Lụa biết rất nhiều spa lớn không trả lương cho nhân viên. Nhân viên sống nhờ tip nên xảy ra tình trạng vòi tip, khách không tip là không hài lòng. KTV cau có, vòi vĩnh khiến khách rất khó chịu và họ viết đánh giá rất tệ về spa đó trên mạng xã hội. Đó là bài học để Lụa setup spa của mình: trả lương, tua cho KTV đầy đủ để các bạn trang trải cuộc sống. Không bắt buộc khách tip và khách đến spa cũng không phát sinh bất cứ chi phí nào tạo cảm giác dễ chịu.
Cho đến nay Lụa vẫn duy trì việc đi spa này như một cách thư giãn và để học hỏi kinh nghiệm hay từ các đồng nghiệp làm spa của mình. Nhiều học viên nhắn hỏi Lụa tính làm spa, tính học spa nhưng chưa từng đi spa nào. Thậm chí muốn làm spa dưỡng sinh nhưng lại mơ hồ về dịch vụ, mơ hồ về kiến thức thì Lụa đều khuyên bạn hãy trải nghiệm thực tế. Hãy xem đối thủ của mình có gì hay để học hỏi và làm tốt hơn họ, làm những thứ hay ho mà họ chưa có thì bạn mới có thể đứng vững trong thị trường spa cạnh tranh khốc liệt này.
Ngoài những vấn đề nêu trên thì tay nghề nhân viên vẫn là yếu tố tiên quyết nhất! Đưa khách về spa mà quy trình không ổn, chất lượng dịch vụ không tốt thì bạn sẽ thất bại ngay tức thì.
Trên đây là một vài kinh nghiệm Lụa thấy rất hữu ích đối với các bạn sắp sửa mở spa hoặc mở spa rồi mà đang không có khách. Dù với mô hình spa gì, dịch vụ mũi nhọn ra sao thì "biết người biết ta", dịch vụ và marketing ổn thì bạn sẽ sống tốt mà không sợ thất bại.
Lụa rất mong nhận được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ quá trình kinh doanh và vận hành spa của mọi người.
Theo: Nguyễn Thị Lụa - Hội chủ Spa Việt Nam